Xu hướng mới – Hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp

Nguyên nhân “thờ ơ” với các sinh viên thực tập cũng vì “các đơn vị đào tạo tại Việt Nam không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn tại các công ty. Chúng ta cần phải có chiến lược liên kết các nhà khoa học giữa các trường để giải quyết các đơn đặt hàng lớn từ doanh nghiệp” – TS. Trần Xuân Phước, Đại học Quốc tế nhận định.

Hội nghị khoa học liên trường lần thứ sáu lĩnh vực Điện tử, Viễn Thông, Công nghệ thông tin ngày 23/4/2014 tại Đại học Tân Tạo bắt đầu với phần trình bày của GS.TS. Huỳnh Hữu Tuệ – Đại học Quốc tế về “Phương pháp mô phỏng lưu lượng vận tốc cao dựa trên chuyển động Brown phân tiểu đoạn fBM (Fractional Brownian Motion)”; tiếp đó là phần trình bày của TS. Lê Ngọc Phú – Đại học Bách Khoa TP. HCM, ThS. Bùi Quốc Thái – Công ty TMA Solutions, TS. Trần Xuân Phước – Đại học Quốc tế và TS. Bùi Xuân Lộc – Công ty Misfit Wearables.

Tới phần thảo luận, Hội nghị thực sự “nóng” lên với một vấn đề không còn mới nhưng vẫn là một bài toán chưa có lời giải tại Việt Nam: Hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp trong đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

DSC 7321
Tinh thần trách nhiệm và quyền lợi không đi chung với nhau

Hợp tác giữa trường đại học và doanh nghiệp là một xu thế phổ biến trên thế giới mang lại những lợi ích thiết thực cho cả phía và doanh nghiệp, tuy nhiên tại Việt Nam “tinh thần trách nhiệm và quyền lợi lại không đi chung với nhau” đó là đánh giá của GS.TS. Huỳnh Hữu Tuệ tại hội nghị. Giáo sư khẳng định: “Chúng ta phải làm sao để đến năm 2020 mối liên hệ giữa doanh nghiệp và trường đại học đi vào thực tiễn”.

TS. Nguyễn Tuấn Đức – Giảng viên tại Đại học Quốc tế, chuyên gia tư vấn cho Công ty Intel – cho biết: “Doanh nghiệp cần người làm việc toàn tâm toàn ý. Chính vì thế khi hợp tác với doanh nghiệp, giảng viên tại các trường đại học chịu rất nhiều thiệt thòi, phải bắt đầu với những dự án nhỏ. Vấn đề cốt lõi đó là phải làm sao để thuyết phục được doanh nghiệp bằng những dự án hợp lý, có tính chất kinh doanh thức thời”.

DSC 7312
Doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự gắn kết với trường đại học

Một vấn đề nữa được đặt ra đó là tiếp nhận sinh viên thực tập tại các doanh nghiệp, PGS.TS. Trần Công Hùng – Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông cho biết: “Tại Hàn Quốc doanh nghiệp và trường đại học rất gắn kết, doanh nghiệp sẵn sàng nhận sinh viên tốt nghiệp. Nhưng tại Việt Nam chỉ một số ít doanh nghiệp sẵn sàng nhận sinh viên thực tập và làm việc như một nhân viên thực thụ, một số ít doanh nghiệp đó lại nằm ở những công ty nước ngoài, doanh nghiệp Việt Nam chưa thực sự gắn kết với trường đại học”.

Nguyên nhân các doanh nghiệp “thờ ơ” với các sinh viên thực tập cũng vì “các đơn vị đào tạo tại Việt Nam không đáp ứng được nhu cầu thực tiễn tại các công ty. Chúng ta cần phải có chiến lược liên kết các nhà khoa học giữa các trường để giải quyết các đơn đặt hàng lớn từ doanh nghiệp” – TS. Trần Xuân Phước, Đại học Quốc tế nhận định.

Giải pháp từ phía doanh nghiệp

Đại diện cho Công ty TMA Solutions, ThS. Bùi Quốc Thái cho biết: “Tại TMA Solutions, công ty đang thực hiện giải pháp tìm kiếm hợp tác trực tiếp với giảng viên dựa trên phương châm cùng chia sẻ quyền lợi, cụ thể hóa quyền lợi của các bên. Công ty rất muốn tiếp cận với giảng viên có ý tưởng khoa học có thể triển khai trên thực tiễn. TMA nhận sinh viên thực tập toàn thời gian, tham gia vào dự án thực sự của công ty và trả lương tùy vào năng lực của sinh viên”. Công ty TMA Solutions sẵn sàng tiếp nhận sinh viên kỹ thuật có tinh thần cầu tiến trong công việc.

Chủ đề thực tập và việc làm của sinh viên sau khi tốt nghiệp đặc biệt thu hút được sự chú ý của hội nghị. Đại diện cho Đại học Tân Tạo, PGS. TS. Trần Vĩnh Phước khẳng định: “Trong thời kỳ suy thoái kinh tế hiện nay các công ty trong lĩnh vực Điện tử, Viễn thông, Công nghệ thông tin lại phát triển rất nhanh, vấn đề cốt lõi là các trường đại học phải làm sao đào tạo ra những kỹ sư đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn”.

Định hướng trở thành một trường đại học nghiên cứu

Đối với trường Đại học Tân Tạo – Trường đại học đầu tiên của Việt Nam hoạt động theo mô hình giáo dục đại học Hoa Kỳ, ngay từ khi thành lập, Trường Đại học Tân Tạo đã xác định trở thành trường đại học nghiên cứu nằm trong top những trường đại học hàng đầu khu vực Đông Nam Á. Nằm trong khu công nghiệp Tân Đức với rất nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước cùng hoạt động, nên việc đào tạo sinh viên từ thực tế đã trở thành tiêu chuẩn trong chương trình học của sinh viên. Đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật các giảng viên của trường luôn tìm cách tạo điều kiện, liên hệ để sinh viên của trường đi thực tập tại các công ty có uy tín.

Là đại học còn non trẻ với hơn 4 năm phát triển, nhưng ngay từ những ngày đầu thành lập, Hội đồng quản trị, Ban Giám hiệu trường Đại học Tân Tạo luôn đặc biệt quan tâm đến công tác kiện toàn đội ngũ cán bộ, giảng viên đông đảo về số lượng, mạnh về chất lượng, tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ nghiên cứu khoa học, xây dựng cơ chế và môi trường thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu, hợp tác nghiên cứu của giảng viên, sinh viên nhà trường. Chính vì lẽ đó, từ năm 2011 đến nay cán bộ, giảng viên nhà trường đã có hơn 60 công bố khoa học thuộc 7 lĩnh vực nghiên cứu đăng trên các tạp chí khoa học uy tín thế giới. Trong những năm tới, Trường Đại học Tân Tạo tiếp tục ưu tiên nguồn lực, tập trung đầu tư và kiện toàn cơ chế đặc biệt để phát triển hoạt động nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu khoa học, một trong những nhân tố đẩy nhanh quá trình đưa đại học Tân Tạo sớm khẳng định chất lượng tầm khu vực và quốc tế, đủ năng lực hợp tác và cạnh tranh với các cơ sở đào tạo và nghiên cứu hàng đầu thế giới.

Trên nền tảng thành tựu nghiên cứu đáng tự hào của mình, tại Hội nghị khoa học công nghệ liên trường lần thứ 6, các nhà khoa học trường Đại học Tân Tạo mong muốn xây dựng mối quan hệ hợp tác lâu bền với các nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học, học viện, cơ quan nghiên cứu và các công ty cùng lĩnh vực.

Cùng Danh Mục:

Liên Quan Khác

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *